Vậy là tôi có một chậu đầy mầm hoa hướng dương. Có đến vài trăm cây rau mầm hướng dương chứ chẳng chơi. Có nghĩa là nếu bứng từng mầm cây này ra chậu, tôi sẽ có một vườn hướng dương khi chúng lớn dậy.
Giờ đọc kỹ tờ giấy hướng dẫn, tôi mới thấy cái hộp xơ dừa tôi được tặng không phải là để trồng lên thành cây hoa hướng dương. Đó là một hộp rau mầm để trồng tại gia, lên ngay, ăn ngay. Những thân rau mầm hướng dương ấy sẽ rất ngon nếu được trộn dầu giấm, thịt bò.
Tôi đã tách những mầm cây ấy ra và chờ đợi một vườn hướng dương rực rỡ. Nhưng rồi tôi đã thất vọng nặng nề. Vì khí hậu, vì điều kiện đất, nước, vì tôi không biết trồng và hàng trăm lý do khác nữa, những mầm cây ấy đã chết. Chúng chẳng thể trở thành cây lớn, rồi nở hoa được. Sau một thời gian đợi chờ miệt mài mà chẳng có cái hoa hướng dương nào, thậm chí tôi đâm hận cái chậu xơ dừa đầy mầm cây này. Nó đã đến gieo trong tôi hy vọng về một vườn hướng dương, rồi thì chúng chết ngắc.
Tôi đã nghĩ chúng là những mầm cây vô dụng không thể nào lớn lên, ra hoa , mà quên đi mất chức năng ban đầu mà người ta gán cho chúng không phải là một chậu mầm để làm thành vườn hướng dương. Giản dị hơn, chúng chỉ là một chậu rau mầm. Thành một bữa rau tươi ngon, đó mới là mục đích chính của những mầm cây ấy.
Lỗi không phải tại chậu mầm hướng dương không biết lớn lên, không biết ra hoa, lỗi là do kỳ vọng của tôi vượt quá khả năng của nó.
Shakespeare nói “Kỳ vọng là nguồn cơn của mọi đớn đau” (Expectation is the root of heartache). Giá tôi biết chấp nhận chậu rau mầm ấy như một bữa tươi ngon do chính mình trồng được, có lẽ tôi sẽ hạnh phúc biết chừng nào. Nhưng tôi đã mơ xa hơn về một điều vượt quá chức năng đã được định sẵn của nó, và đẩy chính mình vào bi kịch của nỗi thất vọng.
Chúng ta vẫn thường như thế, một người đến trong đời mình như một người bạn hoàn hảo, mình lại mong người ta trở thành người yêu. Một công việc mang đến cho mình cơ hội để học hỏi và phát triển nghề nghiệp, mình lại mong nó nhàn nhã và lương cao. Có một người yêu hài hước, vô tư, rộng lượng, mình lại mong người ta phải tinh tế để ý từng chi tiết một, phải chia sẻ và ghi nhớ được những câu chuyện bi kịch lẻ tẻ của đời mình… Kỳ vọng không có gì xấu, nhưng đôi khi sự kỳ vọng thái quá và vô căn cứ đã dìm chúng ta xuống tận cùng thất vọng, khiến chúng ta không còn nhìn nhận sự việc xảy ra dưới khía cạnh tốt đẹp và “tròn vai” như chính bản thân nó nữa.
Hằng ngày chúng ta vẫn phải chống chọi với những thất vọng như thế. Nhưng có lẽ chúng ta nên tập cách nhìn lại, để xem cái gì làm ta đau đớn: sự việc khách quan ấy, hay là chính kỳ vọng của bản thân mình.
Sưu tầm
إرسال تعليق